Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là quyền của một bên do hành vi vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng. Thực tế có nhiều tranh chấp xảy ra giữa các Bên trong hợp đồng về vấn đề này. Vậy việc tạm ngừng được thực hiện như thế nào để tránh xảy ra tranh chấp?
Khi phát sinh vi phạm hợp đồng từ một Bên, Bên bị vi phạm có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng, tạm ngừng việc thanh toán khi một Bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng.
Quy định về tạm ngừng thực hiện hợp đồng, theo Điều 308 Luật thương mại 2005 quy định như sau: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;
2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”
Theo Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau:
“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.”
Vi phạm cơ bản được quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật thương mại 2005 như sau:
“Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”
Theo Điều 309 Luật thương mại quy định về hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng như sau:
“1. Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.”
Như vậy, tùy theo tính chất mức độ của vi phạm và mục đích giao kết hợp đồng của các bên để xác định vi phạm đó có phải là vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng hay không?
Ví dụ: Hợp đồng mà các bên giao kết là hợp đồng mua bán hàng hóa thì việc bên giao hàng tiến hành giao không đúng thời hạn đã cam kết hoặc giao hàng lỗi, hư hỏng thì việc này ảnh hưởng đến Bên kia như thế nào? Mức độ ra sao? Nó có làm ảnh hưởng đến mục đích giao kết ban đầu hay không? Sự vi phạm này có dẫn đến việc các bên không đạt được mục đích giao kết hợp đồng hay không?
Bản chất của Hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ nhằm đạt được lợi ích hợp pháp mà họ mong muốn khi ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế những lợi ích và mục đích hợp pháp mà các bên mong đợi từ việc ký hợp đồng không đạt được như dự tính. Do đó, Bên bị vi phạm có thể tạm ngừng thực hiện hợp đồng và yêu cầu Bên kia bồi thường thiệt hại.
TƯ VẤN, RÀ SOÁT VÀ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG --------------------------------------------- Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng Hotline: 096 628 88 55 - 0962011118 - 02862765595Trụ sở: 25 Vũ Tông Phan - An Phú-Quận 2-TP.HCM Email: hopdong@luatsurieng.net Website: http://www.luatsuhopdong.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/luatsuhopdong.vn/