Với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, các giao dịch ngày càng gia tăng đặc biệt là các giao dịch vay tài sản chủ yếu. Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh nhiều biến tướng của hoạt động cho vay tài sản của các cá nhân, tổ chức (trừ hoạt động của các Ngân Hàng) dẫn tới những rủi ro đáng lo ngại cho những bên đi vay. Bên vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp để thực hiện một nghĩa vụ không thể trị hoãn nên họ phải chấp nhận việc vay tiền với lãi suất cao đồng thời với những rủi ro trong việc giao kết. Bên cho vay ngoài ký kết hợp đồng cho vay với lãi suất rất cao mà còn yêu cầu Bên vay thỏa thuận thêm hợp đồng mua bán tài sản có công chứng kèm theo với giá mua bán thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.
Mục đích việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản nhằm đảm bảo bên vay thực hiện hợp đồng vay. Đây là một biến tướng mà Bên cho vay thường sử dụng khi Bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và thanh toán tiền lãi thì Bên cho vay yêu bên vay thực hiện hợp đồng mua bán. Trong trường hợp này sẽ tồn tại song song Hợp đồng cho vay và Hợp đồng mua bán tài sản.
Đây là một vấn đề khá phổ biến trong hoạt động vay tài sản hiện nay, nó tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với Bên vay.
Do đó, cần làm rõ vấn đề pháp lý của hai hợp đồng nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Bên cho vay và Bên vay mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến giao dịch cho vay trên.
Đối với hợp đồng vay tài sản: Theo quy định điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”. Chủ thể tham gia cho vay tài sản (trên thực tế chủ yếu là vay tiền) có thể là cá nhân hoặc tổ chức, hình thức hợp đồng vay có thể bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng miệng (pháp luật không hạn chế hình thức hợp đồng), lãi suất trong hợp đồng vay theo sự thỏa thuận của các bên. Như vậy đối với hoạt động cho vay trên là đúng quy định của pháp luật.
Đối với giao dịch mua bán tài sản được xác lập giữa bên cho vay và bên vay:
Theo quy định tại Điều 430 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
Nếu xét một cách độc lập thì hợp đồng mua bán tài sản mà Bên cho vay và Bên vay tiến hành ký kết có công chứng sẽ có hiệu lực. Vì đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản Điều 117 Bộ Luật Dân Sự 2015 điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Nếu xét một cách tổng thể việc giao dịch hợp đồng vay tài sản với quan hệ hợp đồng mua bán tài sản trong trường hợp này theo quan điểm của tôi hợp đồng mua bán tài sản bị vô hiệu do có yếu tố giả tạo.
Theo quy định tại điều 124 Bộ Luật Dân Sự 2015 giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo:
“1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”
Đối với hợp đồng vô hiệu do giả tạo yếu tố khách quan của nó là luôn tồn tại hai hợp đồng trong đó một hợp đồng được thể hiện ra bên ngoài và một hợp đồng bị che giấu, các bên có sự đồng thuận trong việc ký kết xác lập tuy nhiên việc thể hiện ý chí ra bên ngoài không thực hiện đúng theo ý chí nội tâm có sự khác nhau giữa ý chí và bày tỏ ý chí đối với hợp đồng mua bán tài sản này ta xem xét hai yếu tố trên như sau.
Về việc khác nhau giữa ý chí và bày tỏ ý chí: Đối với hợp đồng vay tài sản các bên mong muốn thực hiện giao dịch cho vay và đảm bảo cho hợp đồng vay được thực hiện. Trong khi đó các bên biểu lộ ý chí ra bên ngoài bằng hợp đồng mua bán tài sản. Không thống nhất giữa ý chí của Bên bán (đồng thời là Bên vay) với mục đích vay tiền và mong muốn đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ vay tiền nhưng khi thực hiện ý chí bên bán lại ký kết hợp đồng bán nhà và đối với Bên mua (đồng thời Bên cho vay) tại thời điểm ký kết mong muốn mua tài sản (nếu việc thực hiện việc mua bán sẽ rất có lợi) mà mục đích ký kết hợp đồng mua bán để đảm bảo cho hoạt động cho vay. Như vậy, ý chí và bày tỏ ý chí của các bên trong trường hợp này là không thống nhất.
Về giao dịch bị che giấu: Giao dịch giả tạo luôn có hai giao dịch, một giao dịch bề ngoài và một giao dịch bị che giấu. Trong trường hợp này giao dịch bề ngoài là giao dịch mua bán tài sản. Vậy giao dịch che giấu là giao dịch nào. Hiện nay có hai quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất giao dịch bị che giấu là giao dịch vay tài sản, quan điểm thứ hai giao dịch bị che giấu là giao dịch đảm bảo thực hiện hợp đồng vay tài sản.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, trường hợp này giao dịch bị che giấu là giao dịch vay tài sản vì các bên mong muốn thực hiện việc vay và cho vay tài sản, tuy nhiên các bên lại ký một hợp đồng mua bán tài sản để mục đích đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng vay. Nhưng khi bên vay không có khả năng trả nợ thì hợp đồng mua bán sẽ thay thế hợp đồng vay (coi như các bên tiến hành mua bán chứ không phải là hợp đồng vay tiền) có nghĩa là hợp đồng vay lúc đó bị che giấu không được thực hiện, hợp đồng vay coi như không tồn tại. Vậy tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán các bên đã có ý định che giấu hợp đồng vay, trường hợp này được xem là giao dịch giả tạo liên quan đến hợp đồng.
Quan điểm thứ hai giao dịch bị che giấu là giao dịch đảm bảo thực hiện hợp đồng vay tài sản. Đối với quan điểm này thừa nhận hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng che giấu giao dịch đảm bảo thực hiện hợp đồng vay. Nhưng theo quan điểm của tôi, trong trường hợp này giao dịch đảm bảo hợp đồng vay chưa hình thành vì các bên mới có mục tiêu đảm bảo hợp đồng vay nhưng chưa thực hiện giao dịch đảm bảo trên (giao dịch đó chưa tồn tại).
Tuy nhiên với quan điểm nào đi nữa thì trong trường hợp này việc giả tạo trong giao dịch là rất rỏ ràng, vì vậy hợp đồng mua bán trên bị vô hiệu và hậu quả pháp lý của nó là các bên sẽ hoàn trả lại tài sản cho nhau đồng thời hợp đồng vay sẽ được thực hiện và bên vay có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vay, thanh toán tiền vay cùng với lãi suất và lãi suất quá hạn do việc chậm thanh toán theo thỏa thuận.
Thực tiển giải quyết hợp đồng vô hiệu do giả tạo.
Việc xác định hợp đồng giã tạo là rất khó khăn trên phương diện lý luận cũng như thực tiển giải quyết. Đặc biệt trong hoạt động vay tài sản thông thường thỏa thuận vay là bằng miệng nên việc chứng minh tại Tòa án là rất phức tạp và khó khăn vì không có bằng chứng cho việc giao dịch vay tài sản, đồng thời trên thực tế các bên thậm chí đã thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với hoạt động mua bán trên, và có nhiều căn cứ chứng minh cho sự đồng thuận thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên có rất nhiều vụ việc được Tòa án xét xử tuyên vô hiệu do giả tạo, vì thế những biến tướng của hoạt động cho vay là trái với quy định của pháp luật có nguy cơ bị Tòa án tuyên vô hiệu do yếu tố giả tạo theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật Dân sự 2015.
Để được tư vấn chi tiết hơn về pháp luật hợp đồng. Quý khách liên hệ Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng. Chúng tôi với đội ngũ Luật sư, chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật hợp đồng, sẽ tư vấn cho bạn những giải pháp tối ưu nhất
TƯ VẤN, RÀ SOÁT VÀ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG ---------------------------------------------
Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng Hotline: 096 628 88 55 - 0962011118 - 02862765595Trụ sở: 25 Vũ Tông Phan - An Phú-Quận 2-TP.HCM Email: hopdong@luatsurieng.net Website: http://www.luatsuhopdong.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/luatsuhopdong.vn/