RỚT ĐẠI HỌC…THÌ SAO CHỨ?
Cánh cửa đại học là niềm khao khát và mong ước của bấy nhiêu học sinh. Áp lực thi cử, ánh nhìn ngóng đợi của cha mẹ hay sự bàn tán của người đời khiến gánh nặng 12 năm đèn sách trở nên nặng trĩu trên vai những sĩ tử thi đại học. Nó khiến cho bao mùa thi đã qua là bấy nhiêu cảm xúc ngổn ngang. Người vui thì có kẻ buồn, có người chỉ muốn hét với cả thế giới rằng mình đã đỗ nhưng cũng có những bạn giam mình trong bốn bức tường, tự cho tương lai giờ đây chỉ toàn một màu đen tối.
Giam mình như người tự kỉ, bỏ ăn bỏ uống… hay thậm chí có những bạn trẻ đã gửi mãi xuân xanh ở tuổi mười tám khi không chịu được cái nhìn soi xét của người đời và chính sự dằn vặt quá lớn trong lòng mình. Nhưng sĩ tử ơi, có bao giờ bạn tự dũng cảm đi tìm câu trả lời “Nên làm gì nếu rớt đại học” cho mình hay chưa?
Hãy nhìn xung quanh các bạn đi: nhiều bạn cùng rớt như bạn mà. Tôi không phải là người động viên theo kiểu trung bình chủ nghĩa mà đó là thật sự. Ai chẳng ước rằng mình đậu đại học để hãnh diện với bạn bè và đó là kết quả để báo thành tích cho cha mẹ mình. Nhưng chẳng có gì mà thê thảm tới mức phải xấu hổ không dám nhìn mặt ai. Hãy ngẩng cao đầu mà trả lời khi ai hỏi: cháu thi đậu đại học không? Mà nói dõng dạc “cháu đã thi rớt” và nhớ phải nhoẻn miệng cười vui nhé các bạn.
Nếu bạn đã cố gắng hết khả năng thi thố của mình mà vẫn rớt thì cũng đơn giản như là một con cáo với mãi chùm nho mà không được thôi. Thua keo này ta bày keo khác. Năm này thi rớt biết đâu năm sau lại đậu thủ khoa? Cuộc đời này ai biết được chữ “ngờ”?
Thi rớt đại học thì phải hiểu rằng mình chẳng có gì sai trái, cả nên không có điều gì phải hổ thẹn với chính mình. Vì cứ nghĩ đi các bạn có làm hành vi gì xấu đâu?
Hơn ai hết bạn biết điều gì có thể làm mình vui lên. Chẳng lẽ tất cả những người trượt đại học đều thất bại và người đỗ đều thành công? Sau khi trượt Đại học, hãy bình tĩnh và làm những điều sau
– Trượt đại học là do bạn chọn chưa đúng trường, ngành nghề, hoặc đa phần do bố, mẹ bắt bạn phải thi trường như vậy hoặc bạn chọn theo xu hướng xã hội, nếu bạn chọn ngành nghề bạn thực sự thích, bạn giỏi tôi nghĩ bạn sẽ không thể nào trượt – nên nhớ trượt đại học không có nghĩa bạn là người thất bại.
– Mọi người thường chỉ quan tâm đến kết quả, họ không thèm quan tâm đến bạn học hành vất vả thế nào, thậm chí còn chê bai khi bạn học hành chăm chỉ nhưng vẫn trượt – nhưng đối với bạn quá trình mới quan trọng, nó chính là những bước mà bạn trưởng thành. Kết quả chỉ là hệ quả của quá trình bạn phát triển bản thân.
– Và rằng bạn nên tự hỏi bản thân bạn đã cố gắng hết sức mình hay chưa? Nếu đã là cả tâm sức của bạn, bạn sẽ không có gì phải hối tiếc. Còn nếu chưa, hãy tự kiểm điểm, bản thân cần phải cố gắng hơn nữa. Đành rằng ” Học tài thi phận” nhưng “phận” của mỗi người đều do họ tự quyết định mà thôi.
Sau khi đã tự thành thật với bản thân, hãy cho mình cơ hội được tự do thanh thản sau những chuỗi ngày căng thẳng.
Đi du lịch cũng là một cách để bạn bình tâm trở lại. Niềm vui bạn có thể giấu kín nhưng đối với nỗi buồn bạn không thể chôn sâu một cách tiêu cực mà phải được sẻ chia. Đi du lịch cùng với những người bạn, chia sẻ tâm tư của mình và biết đâu trong chuyến đi đó bạn sẽ tìm thấy được những thứ ý nghĩa hơn hai từ “Đại học” mà bạn đang theo đuổi?
Đấy là con đường hầu hết được các bạn lựa chọn sau khi thi trượt. Và con đường này là con đường dũng cảm nhất: Đối mặt với thất bại, thách thức nó lần nữa. Tuy nhiên trước khi vượt qua bức tường cao mà bạn đã từng bị trượt té hãy tìm ra lý do vì sao bạn ngã và tìm một cách khác để “leo tường” hiệu quả hơn. Cố gắng vì mục tiêu ban đầu của mình thì sau bức tường ấy, “miền đất hứa” sẽ đợi bạn!
Lấy lại tinh thần, hít thật sâu, bắt tay vào công cuộc học để thi lại. Ban đầu mọi thứ dường như đều có sự cản trở khó khăn. Ngọn lửa quyết tâm cần được đốt cháy trong cả quá trình, nếu không, một ngày nào đó nó sẽ dần tàn lụi và chán nản sẽ tìm đếm với bạn.
Đại học không phải là con đường duy nhất trước ngưỡng cửa vào đời. Nếu bạn thấy mình không đủ sức nữa, hãy dừng lại và nhìn về những ngả rẽ khác. Cao đẳng hay trung cấp vẫn là sự lựa chọn không tồi nếu bạn cố gắng. Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn là ai, sinh viên trường nào, thành tích ở trường ra sao, cái duy nhất mà người ta quan tâm chính là kết quả bạn đạt được trong công việc và đại học chưa chắc đã “dạy” ta tốt hơn những gì ta tự bươn chải trong cuộc sống với tấm bằng thấp hơn thế.
Hãy làm cho bản thân mình thật năng động, đối với những bạn nhà không đủ điều kiện, việc phải nuôi con ăn học thêm một năm là một vấn đề lớn đối với cha mẹ, vì thế các bạn hãy lựa chọn bắt tay ngay vào công việc khi chỉ có tấm bằng tốt nghiệp THPT trong tay. Vậy hãy thử tìm một công việc part time để vừa rèn luyện kỹ năng giao tiếp, vừa biết cách xử lý những tình huống khó khăn, vừa có tiền để trang trải học phí cho các lớp ôn luyện. Hoặc đăng ký vào các chương trình học của hệ thống Trung cấp nghề, “trăm nghe không bằng tay quen, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Một khi bạn đã có một nghề trong tay, việc bạn có thể theo đuổi con đường sự nghiệp, con đường mơ ước không còn là quá xa xôi nữa.
Bạn trượt đại học bạn có thể mất bạn bè, có thể mất danh dự tạm thời… nhưng niềm tin, giấc mơ, hoài bão của bạn không thể mất. Và bạn để lại cho thế hệ sau bạn, câu chuyện như thế nào! Tuyệt vời hay dở tệ tất cả phụ thuộc vào bạn!
Trên đây là những chia sẻ nhằm giúp bạn nhận ra rằng rớt Đại Học không phải là điều gì quá khủng khiếp, mà chỉ giúp chúng ta lùi lại một bước, nhìn biển rộng trời cao mà quan sát nhiều cánh cửa khác vẫn đang chờ chúng ta mở ra. Hy vọng rằng bài viết trên thực sự bổ ích và mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan nhất giúp bạn lựa chọn con đường học phù hợp và đúng đắn nhất.
Những sinh viên tốt nghiệp theo chương trình của hệ thống Trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn được đào tạo rất kỹ về chuyên môn, nghiệp vụ, để sau khi tốt nghiệp những sinh viên này không những đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng còn có thể cạnh tranh được về kỹ năng và kinh nghiệm với những bạn tốt nghiệp ở mô hình đào tạo khác.