Nắm bắt nhu cầu này, chi nhánh Sacombank ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính. Cụ thể, người đi xuất khẩu lao động và gia đình có thể vay tối đa 500 triệu đồng với thời hạn vay năm năm, tài sản đảm bảo là bất động sản.
Ngoài việc hỗ trợ chi phí ban đầu cho xuất khẩu lao động, ngân hàng còn liên kết với các công ty, trung tâm cung ứng xuất khẩu lao động có uy tín để tư vấn thủ tục pháp lý, lựa chọn thị trường lao động và công việc phù hợp cho khách hàng có nhu cầu xuất khẩu lao động. Điều này giúp giảm thiểu các rủi ro về cơ chế, pháp lý, ngược đãi, trục xuất…
"Miền Trung là địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh duyên hải nên có nhu cầu cao về vốn và các giải pháp tài chính phù hợp. Chính vì vậy, sự đồng hành của ngân hàng đối với quá trình phát triển kinh tế và đời sống người dân là rất quan trọng", ông Khoa chia sẻ.
Vì thế bên cạnh cho vay xuất khẩu lao động, Sacombank cũng triển khai các cơ chế khác nhằm đáp ứng kịp thời và đúng nhu cầu sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của người dân địa phương. Ví dụ như chương trình phát triển nông nghiệp, trồng rừng, cho vay đóng mới cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cho vay tín chấp cán bộ nhân viên kể cả các vùng sâu vùng xa.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sacombank đã triển khai 11 gói cho vay lãi suất ưu đãi có tổng trị giá gần 18.000 tỷ đồng dành cho cá nhân và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Minh Trí