Hội thảo đã đưa ra các đánh giá về tình hình thu hút FDI tại Nghệ An và định hướng, giải pháp thu hút FDI giai đoạn 2016 - 2020, cũng như nhận diện các rủi ro thị trường mà doanh nghiệp FDI thường gặp phải cùng giải pháp xử lý.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp FDI được giới thiệu về các chính sách thuế mới và thủ tục cải cách hành chính… Đặc biệt, các doanh nghiệp còn được Sacombank tư vấn về các giải pháp hỗ trợ khó khăn tài chính như: phương thức tài trợ vốn thông qua việc phát hành L/C trả chậm, nhưng nhà xuất khẩu ở nước ngoài nhận được tiền ngay với lãi suất tương đương khi vay ngoại tệ (UPAS).
Ngoài ra, nhà băng này còn tư vấn cho doanh nghiệp vay đa ngoại tệ, giúp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá với phương thức trả nợ linh hoạt; nộp thuế điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế, giúp rút ngắn thời gian nộp thuế định kỳ; bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử giúp đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa…
Từ nay đến hết ngày 31/3/2017, Sacombank triển khai các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI tại Nghệ An như: miễn phí dịch vụ tài khoản, ưu đãi phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, phí thanh toán quốc tế, dịch vụ chi lương và Internet Banking… trong vòng 6 tháng kể từ ngày đăng ký.
Đến ngày 31/10 vừa qua, Nghệ An có 54 doanh nghiệp FDI, đóng góp vào 1,6% GDP và 20% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; 61 dự án FDI với tổng nguồn vốn lên đến gần 1,7 tỷ USD. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An đa phần có quy mô nhỏ, chưa có tính lan tỏa nên tác động chưa rõ nét đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp khu vực này tăng đều qua từng năm, do có sự hỗ trợ vốn từ nhiều ngân hàng cũng như cải cách chính sách thuế từ cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hưng Thịnh