Tại một ATM của Vietcombank trên phố Láng Hạ, nhiều người đến rút từ sớm cho biết phải chờ đến 9h mới có tiền. Tương tự, tại một số cây ATM VietinBank cũng hết tiền trong một số thời điểm do chưa kịp tiếp quỹ.
Ở một ATM trên phố Kim Mã (Hà Nội), gần chục khách đứng thành hàng dài lố nhố. Với hạn mức chỉ 2 triệu đồng mỗi lần giao dịch, nhiều khách hàng loay hoay khoảng 10 phút vẫn không thể rút được số tiền như mong muốn, đã tỏ rõ sự bực tức. Vài người khác vì vội nên cố tình chen lấn, khiến không khí thêm căng thẳng.
Nhiều máy ATM tại Hà Nội báo hết tiền hoặc bảo trì ngày cận Tết. |
Chị Trần Hằng (Nguyễn Khắc Cần, Hoàn Kiếm) cho biết đã phải chờ 35 phút mới đến lượt giao dịch chuyển khoản, song hệ thống cũng liên tục "treo". "Tôi cần chuyển khoản gấp 8 triệu đồng nhưng cả sáng không thể vào Internet Banking - kênh mà các ngân hàng vẫn quảng cáo và khuyến cáo nên sử dụng để tránh phải xếp hàng ở ATM hay chờ ở quầy", vị khách này than thở.
Không riêng trường hợp của chị Hằng, hệ thống Internet Banking của nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, TPBank, Eximbank... cũng được độc giả VnExpress ghi nhận quá tải, không thể vào trang chủ ở một số thời điểm. Cũng có những khách hàng truy cập được hệ thống ebank nhưng đến khi thanh toán không thể nhận tin nhắn OTP hoặc bị lỗi trong thao tác cuối cùng.
Các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng cũng trong tình trạng quá tải. Từ nửa giờ trước khi mở cửa, phòng giao dịch của nhiều nhà băng đã có hàng dài khách đến sớm nhận số chờ đến lượt. Giám đốc chi nhánh của ngân hàng cho biết số xếp hàng đến 9h sáng chờ ở quầy đã lên tới 50 người. "Dù đã chủ động tăng cường quầy và nhân viên, yêu cầu bảo vệ hỗ trợ xếp số... nhưng vẫn quá tải. Các giao dịch viên mấy ngày nay cũng phải đến 9h tối mới được về", ông cho biết.
Trong khi đó, tình hình giao dịch tại TP HCM và các tỉnh lân cận có dấu hiệu đỡ căng thẳng hơn với Hà Nội. Khảo sát của VnExpress tại các khu công nghiệp Tân Bình, Sóng Thần, Tân Tạo, Tân Thuận... lượng khách rút tiền buổi trưa 27 Tết đã phần nào vơi bớt so với mấy ngày cuối tuần trước.
Ghi nhận tại khu ATM của Vietcombank thuộc khu chế xuất Tân Thuận lúc 14h chiều nay, thay vì hàng dài cả trăm người như mấy hôm trước, hiện chỉ còn tầm chục người. "Tôi chỉ đợi tầm 5 phút là đã đến lượt rút, thay vì nửa tiếng đến một tiếng như mấy ngày trước đó", chị Hà - công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận cho biết.
Thay vì cả trăm người xếp hàng dài như mấy ngày trước, lúc 14h chiều nay, khu vực ATM Tân Thuận chỉ còn vài người rút tiền. Ảnh: Lệ Chi. |
Ngày mai mới về quê ở miền Trung ăn Tết nhưng sợ quá tải nên chị Lan, công nhân may tại khu công nghiệp Tân Tạo cho biết cách đây hai ngày, chị đã đi rút tiền. Từ sáng sớm chị chạy tới mấy điểm ATM của các ngân hàng DongA Bank, ACB, BIDV... quanh khu công nghiệp Tân Tạo nhưng nơi thì quá đông người đợi, nơi thì máy hết tiền. Quá mệt chị đã đi về và hôm nay đi rút lại thì thấy khách đã vơi đi khá nhiều. "Hôm nay tôi không phải chờ đợi mà đến rút là được ngay", chị nói.
Các chi nhánh, phòng giao dịch tại TP HCM ngày hôm nay có tăng so với bình thường nhưng cũng không đến nỗi quá tải. Ghi nhận tại các chi nhánh lớn của BIDV, Sacombank, Vietcombank, Techcombank... trong buổi sáng chỉ thưa thớt khách.
Phòng giao dịch tại Vietcombank Bình Dương đông nghịt công nhân đến rút tiền ngày 23/1. Ảnh: Nguyệt Triều |
Tuy nhiên, điều mà không ít người rút tiền ATM lo lắng trong mấy ngày cận Tết này là tình trạng máy không nhả tiền do lỗi. Như trường hợp của anh Hùng, Gò Vấp vào sáng nay, khi dùng thẻ của OCB để rút tiền tại một ATM của ngân hàng khác. Máy báo lỗi nhưng đã trừ tài khoản anh 3 triệu đồng. Anh vội vã đến phòng giao dịch của ngân hàng gần đó để làm tra soát. Tuy nhiên, nhân viên cho biết chỉ có thể xử lý những lỗi như nuốt thẻ hoặc là giao dịch nội mạng, còn ngoại mạng thì phải đợi sau Tết.
Lãnh đạo phòng thẻ của DongA Bank thừa nhận, vẫn có một số máy trong tình trạng bị lỗi những ngày vừa qua do nhu cầu rút tiền của người dân quá lớn.
Đại diện Vietcombank tại TP HCM cũng cho biết, sát Tết năm nay, nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng 2-3 lần so với ngày thường và cũng cao hơn dịp cận Tết năm ngoái. Theo ông, cao điểm nhất là mấy ngày cuối tuần vừa rồi (24-25 Tết), giao dịch tăng cao đột biến, trong khi lại diễn ra tình trạng tắc đường.
"Mấy ngày đó, chúng tôi mặc dù đã tăng cường tiếp quỹ liên tục nhưng do đường tắc nghẽn nên nhiều lúc nhìn máy báo hết tiền mà đành bất lực", ông nói và cho biết, từ ngày hôm qua đến nay, giao thông đã thoáng hơn đồng thời nhu cầu giao dịch ATM đã giảm đáng kể nên nguồn tiền trong máy hầu như đều được đảm bảo.
Vị này cũng cho biết thêm, bộ phận ATM sẽ hoạt động liên tục xuyên Tết nhằm đảm bảo việc tiếp quỹ và xử lý sự cố. Tuy nhiên, do từ ngày 28 Tết ngân hàng ngưng làm việc nên các sự cố liên quan đến nuốt tiền (nội và ngoại mạng) không thể xử lý mà phải chờ qua Tết mới giải quyết được.
Về sự cố treo Intenet Banking, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, một phần là do lượng truy cập tăng quá cao dẫn đến quá tải, phần khác còn do hạ tầng Internet của Việt Nam bị chập chờn nên đã ảnh hưởng đến đường truyền giao dịch.
Liên quan đến việc đảm bảo các máy ATM vận hành an toàn dịp Tết Nguyên đán năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các nhà băng cung ứng đủ tiền mặt cho hệ thống ATM. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng cung ứng đủ tiền cho các ngân hàng thương mại, thậm chí ưu tiên tiền mới những mệnh giá hay sử dụng cho hệ thống ATM để không bị kẹp, dính…
“Dịp Tết, nhu cầu tiền mặt tăng đột biến, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng phục vụ với tinh thần cao nhất, tránh hiện tượng máy ATM không có tiền, hoạt động không đáp ứng đủ. Tôi khẳng định lượng tiền mặt cho máy ATM đáp ứng đầy đủ, đặc biệt là thành phố lớn, khu công nghiệp…”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Lệ Chi - Thanh Lan