Tỷ giá USD/VND giảm mạnh ngày 16/3. Ảnh: P.V. |
Cuối ngày 16/3, giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại phần lớn neo thấp, như Sacombank niêm yết quanh 22.800 đồng đổi một USD. Các ngân hàng khác có giá tương tự. Trước đó, từ đầu giờ sáng, giá USD tại các nhà băng đã đồng loạt giảm. Giá bán ra của Vietcombank hạ 60 đồng so với hôm qua, trước khi nhích nhẹ lên 22.810 đồng, mua vào ở 22.740 đồng.
Theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, về thực chất, tác động của việc Fed tăng lãi suất vừa rồi sẽ không diễn ra ngay lập tức vì thị trường đã tính toán trước, đồng thời kỳ vọng một mức tăng cao hơn. Trong sáng nay, tỷ giá USD so với các đồng tiền châu Á đã giảm. Do đó, việc tỷ giá USD/VND đi xuống cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng thông điệp của Fed cũng cho thấy việc tăng lãi có thể chưa kết thúc "Về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam không tăng thì trong vài tháng tới, chúng ta sẽ thấy tác động lên ngoại hối", ông lưu ý.
Lý do được chuyên gia đưa ra là nếu Fed tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay (dự kiến tối thiểu 3 lần trong năm 2017), xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực trong 6 tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại. "Khi kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo không bị mất lợi thế cạnh tranh", ông Hải nói.
Một điểm đáng quan tâm khác, theo một vị chuyên gia kinh tế tại TP HCM, là khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.
Đặc biệt, trong bối cảnh lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam năm 2016 có sự sụt giảm và không đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do lãi suất USD bên ngoài đã hấp dẫn hơn (lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì 0%). Trong một thập kỷ qua, kiều hối về Việt Nam liên tục tăng, là nguồn ngoại tệ được so sánh với cả vốn FDI và ODA.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lại cho rằng, rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu. Đây mới là điều cần kiểm soát.
Chung quan điểm, vị chuyên gia kinh tế tại TP HCM cũng nhìn nhận, nhà đầu tư trực tiếp chủ yếu quan tâm tới lợi thế dài hạn của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân và các lợi thế so sánh của Việt Nam với các khu vực khác, cũng như chiến lược lâu dài toàn cầu của các công ty đa quốc gia nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền bị rút ra.
Lệ Chi