Thời thịnh vượng của sơn mài
Ra đời năm 1961, Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội (số 21 Bùi Bằng Đoàn, quận Hà Đông, TP Hà Nội) ban đầu có tên là Xưởng Mỹ nghệ Giải phóng trực thuộc Liên hiệp xã Tiểu công nghiệp-Thủ công nghiệp Trung ương, sau đổi là Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây. Năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, trường mang tên Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội.
Trước đây, nhà trường có nhiệm vụ đào tạo nghề trang trí sơn mài truyền thống, là trung tâm sáng tác mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ cho các công ty ngoại thương làm hàng xuất khẩu như: Công ty Xuất nhập khẩu Thăng Long (ARTEX Thăng Long), Công ty Xuất khẩu Hà Nội, Nam Định... Những năm 1975-1989, nghề sơn mài phát triển bởi đầu ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất thuận lợi, chủ yếu là xuất khẩu theo Hiệp định thương mại ký kết với các nước xã hội chủ nghĩa.
Học viên theo học do nhà trường đào tạo hồi đó cũng rất đông, trong đó phần lớn là nhân viên các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nơi đây cũng từng là cơ sở trang trí các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh sơn mài mỹ nghệ phục vụ cho xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước, làm sản phẩm, quà tặng phục vụ công tác đối ngoại của đất nước như: “Bộ dụng cụ văn phòng" cho Hội nghị ký kết Hiệp định Pari (gồm bàn ký, hộp để giấy, ống cắm cờ, bút, hộp thấm mực... bằng sơn mài), tượng sơn mài "Bác Hồ đi công tác", "Em bé cầm lá sen", "Thiếu nữ", "Bộ hộp sơn mài trang trí cá vàng"...
Mùa lúa chín Tây Bắc (tranh sơn mài của Nguyễn Thị Tiến)
Hiện nay, nhà trường đào tạo rất nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như: Sơn mài, thêu ren, chạm vàng, bạc, đồng, thiếc, sừng, ngà, mộc mỹ nghệ… nhưng thế mạnh chủ yếu vẫn là đào tạo nghề làm tranh sơn mài. Nghề vẽ tranh sơn mài ở trường được đào tạo theo lối truyền thống, nghĩa là dùng chất liệu sơn ta của Việt Nam, một chất sơn được chế tác từ nhựa (mủ) cây sơn loại cây trồng nhiều ở Phú Thọ nên còn gọi là sơn Phú Thọ.
Hãn hữu có người bị dị ứng sơn nên phải dùng sơn Nhật (loại sơn điều sản xuất ở Nhật Bản). Cách dạy của trường rất bài bản, khoa học, đầy đủ các công đoạn như: Từ pha chế sơn then, sơn cánh gián là nguyên liệu cơ bản để vẽ tranh kỹ thuật vặn, lọc sơn, đến quy trình, thực hành làm vóc: Gắn gỗ, thao sơn, đánh vải, bó sơn, mài bó, hom sơn, mài hom, kẹt sơn, mài kẹt, kẹt lỗ, thí sơn, quang sơn, mài quang, đánh bóng... Tại đây, các học viên được hướng dẫn cách làm bảng màu trực tiếp, bảng màu gián tiếp, kỹ thuật gắn trứng, trai, ốc (gắn ngửa, gắn úp), kỹ thuật thếp vàng, bạc như thếp bóng, nhăn, hoa gấm, nhồi kẹ, rắc bạc, trứng, vỏ trai vụn; thủ pháp tạo chất như tạo nhăn, nhỏ nước, hoa văn; cách kẹt màu, mài phá, ủ "cướp", toát, đánh bóng...
Sau khi nắm vững kỹ thuật, học viên ứng dụng vào vẽ tranh, làm tượng hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ như đĩa, khay, hộp, lọ... Mỗi công đoạn, học viên lại được thực hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
TS Toán học Đặng Khánh Hội, giảng viên Trường Đại học Hòa Bình đã hơn 60 tuổi vẫn theo học nghề sơn mài và đã học được 5 năm, đã có tranh tham dự triển lãm. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói: "Tôi mê hội họa vì thấy giữa mỹ thuật và toán có mối liên hệ có những cặp tương đồng quan hệ thú vị.
Như bố cục các cặp tương phản trong tranh, trong hội họa là tối-sáng, đều-không đều, xa nhau-giao nhau... thì trong toán là rỗng-không rỗng, đa giác đều và đa giác không đều, giao nhau khác rỗng và giao nhau bằng rỗng… Trong sơn mài có tương quan màu sắc thấy gần như tương quan Toán học, sơn mài có khả năng diễn tả một thế giới không thực, không gian ước lệ, con người có thể tưởng tượng và chấp nhận được. Chính điều này làm sơn mài trở nên hấp dẫn, cuốn hút".
Thầy-trò cùng truyền cảm hứng nghệ thuật
Giảng viên đã và đang công tác tại Khoa Mỹ nghệ của trường đều là những người có tay nghề vững vàng, được đào tạo ở bậc đại học, đặc biệt có người trưởng thành từ làng nghề, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Huy chương Bàn tay Vàng qua các hội thi tay nghề như: Họa sĩ Chu Mạnh Chấn, Đặng Đình Lâm, Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Thị Tiến, Lê Thị Dậu, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Xuân Lục... Ngoài việc giảng dạy theo chương trình, các thầy, cô giáo còn đào tạo hàng nghìn thợ thủ công giúp các địa phương "nhân cấy" nghề sơn mài như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam...
Lớp học nghề sơn mài
Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng, một giảng viên kỳ cựu của trường cho biết: "Những người thích nghệ thuật sơn mài vào đây học khá nhiều, họ là sinh viên, họa sĩ trong đó có cả người nước ngoài. Tất cả kiến thức, kinh nghiệm về chất liệu, kỹ thuật chúng tôi nắm được là trao đổi cho họ hết.
Cái quan trọng là truyền cho nhau cảm hứng nghệ thuật, môi trường học tập ở trường này tạo ra một không khí, một không gian văn hóa cởi mở, chân tình để trao đổi, trao truyền nghệ thuật. Vì thế, ranh giới thầy-trò gần như hòa quyện như mối quan hệ đồng nghiệp nên tạo hứng thú cho người học. Ngược lại, chính sự nhiệt tình, ham học hỏi của học viên là niềm cảm hứng giảng dạy cho chúng tôi".
Theo lịch sử, sáng tác sơn mài của Việt Nam cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm. Việc đào tạo nghề sơn mài của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn tưởng chừng bị chững lại, nhưng với lòng yêu nghề của người dạy và người học, nghề sơn mài đã được vực dậy, khởi sắc. Hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo nên số người theo học sơn mài cũng giảm đi nhiều, nhưng nhà trường đã tích cực làm phong phú hình thức đào tạo, phát huy thế mạnh dạy nghề của mình.
Việc đào tạo nghề sơn mài ở đây là một hình thức đào tạo mở. Học viên có thể đăng ký học linh động về thời gian nên nhiều sinh viên đại học mỹ thuật, kiến trúc... các họa sĩ hay những người yêu thích vẽ tranh sơn mài có thể bổ túc kiến thức, thực hành vẽ tranh sơn mài tại trường một cách chắc chắn. Hằng năm, nhà trường đón hàng chục đoàn khách từ các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar... và gần đây là Đoàn họa sĩ Sơn mài châu Á tới tham quan việc đào tạo nghề làm tranh sơn mài.
Với những nỗ lực theo đuổi gìn giữ nghề trong hàng chục năm qua, Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội xứng đáng là nơi bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật sơn mài ở đất Hà thành, là nơi chắp cánh cho sơn mài Việt phát triển.
Họa sĩ Đặng Đình Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, là người tâm huyết với nghề sơn mài, cho biết: "Để góp phần duy trì nghề sơn mài truyền thống, chúng tôi sẽ từng bước nâng cao trình độ giáo viên đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ của nghề thủ công trong giai đoạn mới, sáng tác mẫu mã cho các cơ sở làng nghề đáp ứng thị trường, đặc biệt là phát triển văn hóa du lịch.
Hy vọng nhà trường phát triển để trở thành điểm văn hóa du lịch về các nghề thủ công, tạo sự liên kết với các điểm du lịch làng nghề khác trên địa bàn Hà Đông và vùng lân cận như: Vạn Phúc, Hạ Thái, Nhân Hiền, Dư Dụ, Thắng Lợi... Nhà trường cũng sẵn sàng phối hợp với các trường mỹ thuật để sinh viên có thể đến thực hành, là nơi chế tác một số nguyên vật liệu của sơn mài... ".
Nguồn internet
Chúng tôi chuyên cung cấp sơn mài cao cấp, tranh son mai. Liên hê 0948.379.008 - 0985.91.31.81 để được chúng tôi tư vấn hoàn toàn miễn phí