Như vậy, bốn năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm nay là không in và chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống.
Không in tiền lẻ cho dịp Tết, ngân sách tiết kiệm 1.900 tỷ đồng trong bốn năm. |
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội trong những năm qua, nhà quản lý còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định.
Trong dịp sát Tết, nhu cầu rút tiền mặt để mua sắm của người dân cũng lên cao để phục vụ mua sắm. Phó thống đốc Đào Minh cho biết cơ quan này đã thực hiện công tác điều chuyển tiền mặt từ trung ương tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao mức dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế. Trong đó, ưu tiên điều chuyển đến các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, có mức thu - chi tiền mặt cao và tập trung nhiều máy ATM như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…
"Đến nay, công tác điều chuyển tiền mặt đang được thực hiện một cách khẩn trương, đảm bảo an toàn tuyệt đối và sẽ hoàn thành trước ngày 20/1/2017", ông thông tin.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp nếu có nhu cầu chi tiền mặt đột biến. Về nguyên tắc, nhà quản lý đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông để phục vụ yêu cầu thanh toán trong nền kinh tế.
Hoài Thu